Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Viêm mũi dị ứng: Phòng ngừa và điều trị thế nào?

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh hay gặp ở người cao tuổi, bệnh gây nên nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh có thể chuyển sang dị ứng phế quản, dẫn đến hen phế quản.


Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị thỏa đáng thì có
thể dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang và bệnh hay tái phát.

 

Nguyên nhân nào?

Viêm mũi dị ứng có liên quan mật thiết với hiện tượng dị ứng, nhất là ở người có cơ địa dị ứng. Dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại những kháng nguyên lạ gây dị ứng. Khi kháng nguyên lạ tấn công lần đầu tiên, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để trung hòa kháng nguyên. Những lần sau, khi kháng nguyên lạ này xâm nhập cơ thể, sẽ xảy ra phản ứng kịch liệt giữa kháng nguyên và kháng thể của cơ thể, kết quả sản sinh ra các chất là nguồn gốc gây nên những rối loạn dị ứng.

Dị ứng là một bệnh toàn thân và viêm mũi dị ứng chỉ là biểu hiện tại chỗ của bệnh toàn thân. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (kháng nguyên hay còn gọi là dị nguyên) đối với cơ thể. Một số dị nguyên có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như: bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo, gia cầm), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt…), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số thực phẩm (tôm, cua, ốc...), một số dược phẩm (aspirin, kháng sinh) hoặc do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt). Nhiều trường hợp niêm mạc họng bị kích thích gây viêm còn có kèm theo hiện tượng viêm nhiễm bởi vi khuẩn. Các loại vi khuẩn như vậy gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội mà hay gặp nhất là S. pneumoniae, H. influenzae, cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu).

Các loại này rất phổ biến ở nước ta và chúng thường đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn khi gặp kháng thể (có trong cơ thể) tương ứng thì xảy ra hiện tượng phản ứng tức thì. Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhầy niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như: mũi, họng, xoang… gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc mà được biểu hiện là ngứa, hắt hơi. Hắt hơi là một phản xạ nhanh, nhạy của cơ thể nhằm tống vật lạ ra khỏi vùng niêm mạc mà các dị nguyên vừa mới xâm nhập. Mặt khác, cơ địa dị ứng có liên quan mật thiết với bệnh viêm mũi dị ứng, bởi vì, người bị viêm mũi dị ứng mà có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, exsema, tổ đĩa, hen suyễn…) thì tỉ lệ cao hơn người bị viêm mũi dị ứng mà không có cơ địa dị ứng. Chính vì lẽ đó mà cùng một tác nhân gây kích thích nhưng có người bị bệnh viêm mũi dị ứng nhưng có người không bị. Ví dụ, trong nhà có nuôi chó, mèo thì không phải mọi người đều bị viêm mũi dị ứng vì lông của chúng mà chỉ có một ít số người nào đó bị bệnh mà thôi. Các tác nhân gây kích thích gây viêm mũi dị ứng cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường khác như: qua da hoặc theo đường ăn uống.

Đặc điểm của viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có hai loại, loại có chu kỳ và loại không có chu kỳ.

Loại có chu kỳ thường xảy ra đột ngột vào đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng hoặc nóng ẩm. Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, thêm vào đó có thể thấy ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Tiếp đến là chảy nhiều nước mũi trong như nước lã. Có cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng. Ban ngày xuất hiện nhiều cơn như vậy, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài vài ba ngày đến vài tuần, nếu không được điều trị. Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, cơn viêm không kịch phát, chỉ hắt hơi vài cái nhưng nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa 2 cơn.


Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.

Khi bệnh viêm mũi dị ứng đã thành bệnh mãn tính thì có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, có thể bị ù tai, nhức đầu kèm theo (những triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mãn tính kéo dài có thể có gây nên loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng và không thuộc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh cấp cứu nhưng gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng xấu không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Do nghẹt mũi cho nên người bệnh phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen suyễn. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm trí nhớ, lo lắng nhiều đôi khi dẫn đến trầm cảm.

Làm sao phòng ngừa và điều trị?

Viêm mũi dị ứng thật đa dạng và nhiều nguyên nhân, những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao với viêm mũi dị ứng. Để góp phần hạn chế bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Và nếu không thể không nuôi thì nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng.

Cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mò, mạt). Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình (tôm, cua, ốc). Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Vì vậy, cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh nhất là ở những người có cơ địa dị ứng thì cần giữ ấm cơ thể như: mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm. Khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng để được điều trị sớm, tránh để bệnh thành mãn tính đưa đến viêm họng, phế quản dị ứng, hen suyễn. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,615,926       1/783