Tiêu điểm

GS.Hiroshi Yamata: Cơ hội thành công rất cao với người làm việc đam mê

Giáo sư Hiroshi Yamata giàu kinh nghiệm của Trường đại học công lập Gifu - Nhật Bản vừa có buổi nói chuyện hơn 2 tiếng đồng hồ với hơn 400 sinh viên ngành cơ - điện tử Trường đại học Lạc Hồng về kỹ thuật cơ khí Nhật Bản một cách rất hào hứng và cuốn hút.

ngày hội việc làm

Xin viên tham dự ngày hội việc làm do Cty Pasona Tech phối hợp thực hiện

cụng sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản (JOB FAIR tháng 01/2015)

“Với cảm hứng từ các bạn sinh viên truyền cho, tôi quyết định sẽ lên kế hoạch một lần nữa quay lại Đồng Nai trong thời gian tới, để cùng các bạn sinh viên tiếp tục khám phá những điều thú vị của kiến thức ngành cơ khí chế tạo” - giáo sư Hiroshi Yamata cho biết.

 Điều gì đã khiến ông có mặt tại Đồng Nai?

giáo sư Nhật Bản

Giáo sư Hiroshi Yamata dành hơn 2 tiếng để hướng dẫn sinh viên Lạc Hồng

về Kỹ thuật cơ khí của Nhật Bản

- Tôi được biết là Bộ Kinh tế - công nghiệp và thương mại Nhật Bản đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ Đồng Nai phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc đào tạo về văn hóa Nhật Bản cho sinh viên năm cuối của Trường đại học Lạc Hồng trước khi vào làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản có nói với tôi rằng, sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ và chịu khó học tập. Sinh viên rất cần được nghe và giải đáp các kiến thức về cơ khí chế tạo ở trình độ cao như Nhật Bản. Chính vì vậy, tôi không chần chừ gì để bay qua đây, gặp và nói chuyện với các bạn sinh viên dù thời gian của tôi chỉ có nửa buổi sáng.

Bộ kinh tế Công thương Nhật Bnả

Ông Suzuki Kyoichi – GĐ Hỗ trợ kỹ thuật Cục hợp tác thương mại kinh tế Bộ Kinh tế Công thương

phát biểu tại ngày hội JOB FAIR tại LHU

 Đất nước Nhật Bản vốn có rất nhiều sản phẩm công nghệ kỹ thuật mà thế giới ai cũng biết đến. Vậy giáo sư có từng tham gia làm ra những sản phẩm nào?

- Đúng như vậy. Đất nước Nhật Bản chúng tôi có rất nhiều sản phẩm công nghệ kỹ thuật được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Tôi tự hào vì mình đã được làm việc để cùng cho ra đời chiếc xe máy mang thương hiệu Yamaha, sau đó liên tục cải tiến, thêm những chi tiết mới. Những chiếc xe Yamaha đã có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều thập niên qua. Và dĩ nhiên ở Việt Nam, những chiếc xe mô tô hai bánh mang thương hiệu Yamaha tôi cũng thấy rất nhiều.

 Giáo sư có thể cho biết, có những nguyên tắc nào được đặt vào trong mỗi sản phẩm nói chung của Nhật Bản, trong đó có sản phẩm cơ khí?

- Một nguyên tắc chung khi chế tạo một sản phẩm nào đó của người Nhật Bản là phải đặt sản phẩm đó vào suy nghĩ của người nhận. Khi nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm, bạn luôn phải thường trực trong đầu nhiều câu hỏi, liệu nó có làm cho người tiếp nhận nó cảm thấy thích thú và hài lòng với sản phẩm đó hay không? Nó có tác động đến môi trường như thế nào? Khi chế tạo sản phẩm ta cần đặt vào đó tất cả các giác quan, làm cho sản phẩm hoàn hảo tới từng chi tiết, dù là nhỏ nhất. Những chi tiết nhỏ nhất, đôi khi có thể là điểm nhấn đắt giá nhất của sản phẩm.

 Ở Nhật Bản, giáo sư ít gặp và tiếp xúc với sinh viên Việt Nam?

- Điều đó không đúng. Ở Nhật Bản nói chung và riêng tại Trường đại học Gifu có rất nhiều sinh viên là người Việt Nam đang theo học ở nhiều ngành khác nhau, trong đó có không ít sinh viên học ngành cơ khí chế tạo.

 Vậy giáo sư có nhận xét gì về sinh viên Việt Nam?

- Tôi thấy sinh viên Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với nhau. Đó là sự chăm chỉ siêng năng, ham học hỏi và sáng tạo trong quá trình học tập. Điều này rất cần với tất cả các công việc, đặc biệt là với ngành cơ khí chế tạo.

 Sinh viên Việt Nam có thể học gì từ người Nhật Bản, thưa giáo sư?

- Đất nước chúng tôi rất nghèo về tài nguyên thiên nhiên, nhưng đổi lại người Nhật Bản chúng tôi rất coi trọng sự làm việc chăm chỉ và sáng tạo để vượt qua khó khăn. Người Nhật Bản luôn không ngừng khám phá để làm ra những cái mới và những cái mới hơn. Điều đó các bạn sinh viên Việt Nam có thể học hỏi.

 Làm thế nào để sinh viên Việt Nam có được sự sáng tạo như sinh viên Nhật Bản?

- Như tôi đã nói, các bạn sinh viên Việt Nam có rất nhiều tố chất tương đồng với sinh viên Nhật Bản chúng tôi. Tôi nghĩ các bạn có thể bắt đầu khám phá những thứ xung quanh mình. Tôi lấy ví dụ, người Việt Nam có thói quen sử dụng mô tô hai bánh để làm phương tiện di chuyển chính. Các bạn có thể khám phá và sáng tạo từ phương tiện này. Các bạn có thể nghiên cứu, thiết kế lại động cơ hay bất cứ một chi tiết nào đó để nó chạy được quãng đường xa hơn nhưng lại tiêu tốn ít nhiên liệu hơn chẳng hạn. Khi nào các bạn có thể thiết kế ra một chiếc mô tô mang thương hiệu Việt Nam cho người Việt Nam sử dụng, thì có nghĩa là các bạn đã thành công.

 Theo giáo sư, làm thế nào để thanh niên đam mê hơn với ngành cơ khí, trong khi đất nước chúng tôi đang rất thiếu nguồn lực này?

- Quan điểm của tôi là làm cái gì cũng phải tự giác. Tôi không có thói quen bắt ép sinh viên phải làm cái này, cái kia. Tôi lấy ví dụ, có hai con trâu, một con trâu đang rất khát nước, nếu người ta cho nó uống nước thì hẳn nó sẽ thích thú và uống rất nhiều. Con trâu còn lại không khát nước, mà chúng ta cứ bắt nó uống thì chắc chắn nó sẽ không uống.

 Vậy theo giáo sư, làm thế nào để truyền lửa cho những sinh viên Việt Nam đam mê ngành cơ khi chế tạo?

- Cơ khí chế tạo là một ngành khó, đòi hỏi phải có sự đam mê và sáng tạo. Tôi nghĩ để có thể truyền lửa được cho sinh viên thì cách tốt nhất là Việt Nam phải bắt tay vào sản xuất nhiều hơn là cho sinh viên học nhiều lý thuyết. Từ sản xuất sẽ tạo ra cảm hứng và đam mê cho sinh viên hơn.

 Hiện ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư. Giáo sư có thể cho biết là các doanh nghiệp Nhật Bản cần gì từ Việt Nam?

- Các bạn sinh viên Việt Nam có một lợi thế, đó là doanh nghiệp Nhật Bản chúng tôi rất thích những con người chăm chỉ, cần cù và sáng tạo. Các doanh nghiệp Nhật Bản khi sang Việt Nam rất quan tâm tới nguồn nhân lực trẻ có trình độ, trong đó có cả ngành cơ khi chế tạo. Vì vậy, các bạn sẽ không phải lo thất nghiệp nếu như có trình độ thực sự và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản chúng tôi.

 Vậy giáo sư có lời khuyên nào cho sinh viên Việt Nam không?

- Tôi đã được tiếp xúc nhiều với sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là lần thứ hai tôi sang Việt Nam, nhưng là lần đầu tiên tôi sang Việt Nam với tư cách được doanh nghiệp mời để nói chuyện với sinh viên ngành cơ khí của Trường đại học Lạc Hồng. Tôi nghĩ, làm điều gì  muốn thành công cũng cần có sự đam mê một cách nghiêm túc. Khi đó, cơ hội thành công sẽ là rất cao đối với các bạn sinh viên.

 Xin cảm ơn giáo sư!

Tôi nghĩ, làm điều gì muốn thành công cũng cần có sự đam mê một cách nghiêm túc. Khi đó cơ hội thành công sẽ là rất cao đối với các bạn sinh viên. Qua buổi nói chuyện với sinh viên Trường đại học Lạc Hồng về chuyên đề Kỹ thuật cơ khí Nhật Bản, tôi rất vui vì các sinh viên đã rất chú ý lắng nghe, đồng thời đưa ra rất nhiều câu hỏi thú vị nhờ tôi giải đáp. Tôi đã quyết định sẽ trở lại đây vào tháng 4-2015, để tiếp tục trao đổi với các bạn sinh viên về những kiến thức và kỹ năng của ngành cơ khí chế tạo máy theo công nghệ của Nhật Bản.
Công Nghĩa (ảnh Davis Nhật)

kỹ thuật, cơ khí, Nhật Bản, giáo sư Hiroshi Yamata


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        30,988,647       1/673