Tin tức

"Chín năm làm một Điện Biên, Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" (7/5/1954 - 7/5/2021)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chiến lược quân sự thiên tài, Người không chỉ sớm hoạch định đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn thường xuyên cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo và tham gia duyệt kế hoạch nhiều chiến dịch, tham dự tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra những khuyết điểm cần tránh trong các chiến dịch lớn. Người thực sự là linh hồn của những chiến công vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đặc biệt, Người đã luận giải rõ ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 trên cả hai phương diện: lịch sử và thời đại.

1. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.Với tính chất là cuộc quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là trận thắng quyết định để đi tới kết thúc chiến tranh. Đây là thắng lợi quân sự lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương, làm cho kế hoạch Nava thất bại hoàn toàn; làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương. Không những vậy, chiến thắng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam giành thắng lợi. Điều này đã chứng minh về việc cảnh báo khuynh hướng ảo tưởng, chờ đợi, ỷ lại vào giải pháp ngoại giao trước đó là hoàn toàn đúng đắn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ chủ trương nhất quán của ta là hòa bình, nhưng kinh nghiệm cho thấy: “Phải đánh bao giờ cho đế quốc qụy, nó biết không thể đánh được nữa, nó mới chịu đàm phán. Đừng có ảo tưởng mình muốn đàm phán là nó đàm phán”; “phải đánh cho Pháp qụy. Lúc ấy, có đàm phán mới đàm phán, chứ không phải đưa đàm phán ra là nó đàm phán ngay đâu. Đừng có ảo tưởng. Mục đích của nó là xâm lược. Nó mất 99% còn hy vọng 1%, nó vẫn đánh. Phải đánh nó qụy nó mới chịu”.

Trong chiến tranh, đấu tranh quân sự luôn giữ vai trò quyết định. Chiến thắng Điện Biên Phủ là lợi thế của Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bước vào Hội nghị Giơnevơ với tư cách một dân tộc chiến thắng; buộc Pháp phải đàm phán, ký kết Hiệp định Giơnevơ về kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm thất bại cố gắng cao nhất của thực dân Pháp với sự giúp sức của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai; giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược, làm tiêu tan hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự của thực dân Pháp…Đây là chiến thắng lớn nhất trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, có ý nghĩa chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương. Từ giữa tháng 11-1953, thực dân Pháp, với sự giúp sức của Mỹ, đã xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với tổng số quân hơn 16.000 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo lớn, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay, tổ chức thành 8 cụm với 46 cứ điểm. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13-3-1953 và kết thúc thắng lợi vào ngày 7-5-1954. Sau 55 ngày đêm chiến đấu, với 3 đợt tiến công, các lực lượng vũ trang ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Tướng Đờ Caxtơri và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị quân ta bắt sống. Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đã góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Chính vì vậy, trong Báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa của thắng lợi này: “Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ thắng lợi đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến vô cùng anh dũng của nhân dân ta, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa gắn với đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đánh giá về ý nghĩa trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chẳng những đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mà còn mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.Trong Lời ghi trong sổ lưu niệm của Bảo tàng Điện Biên Phủ, Ngày 7 tháng 5 năm 1964, Người viết: “Trước đây 10 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, anh dũng của quân và dân nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ”.

 2. Ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

Đối với cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới và mở ra con đường giải phóng dân tộc cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Khẳng định vị thế, giá trị thời đại của chiến thắng đó, trong bài viết “Nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ” đăng trên Báo Nhân dân, số 3690, ngày 7-5-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi; đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chính vì vậy, trong Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Tinh thần của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nhất là các nước ở Châu Mỹ La-tinh, Châu Phi. Từ chiến thắng vang dội 5 châu, chấn động địa cầu ấy là cảm hứng bất tận để các nước Mỹ La-tinh (được gọi là “lục địa bùng cháy” hay “lục địa núi lửa”) vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc nổ ra mạnh mẽ mà mở đầu là thắng lợi của cách mạng Cu-ba năm 1959 và sau đó là một cao trào đấu tranh đã phát triển mạnh mẽ, đấu tranh vũ trang nổ ra và giành thắng lợi ở nhiều nơi như Bô-li-vi-a, Vê-nê-xu-ê-la, Cô-lôm-bi-a... Đồng thời, cũng là ngọn cờ cổ vũ các nước thuộc địa, lệ thuộc ở Châu Phi đứng lên giành độc lập dân tộc. Năm 1960 được gọi là “Năm Châu Phi” vì có 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước độc lập đi lên chủ nghĩa xã hội. Ý nghĩa thời đại lớn lao này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dự đoán sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng và trên thực tế đã trở thành hiện thực: “Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ, từ nay về sau nhân dân miền Nam chắc sẽ thắng lợi hơn nữa. Muốn tránh một thất bại như ở Điện Biên Phủ và muốn khỏi mất thể diện, thì đế quốc Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút ngay quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết lấy vấn đề nội bộ của mình và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, Campuchia và Lào”.

Ngày nay, xu thế chung của thế giới là hoà bình, hợp tác và phát triển. Song đâu đó trên thế giới vẫn còn xảy ra những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường như: căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp lật đổ, khủng bố, khủng hoảng kinh tế toàn cầu… đang và sẽ tác động không nhỏ đến cách mạng Việt Nam. Tình hình thế giới và khu vực đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Đảng tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy cao độ những giá trị, ý nghĩa lớn lao và vô cùng quý báu của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không ngừng đổi mới tư duy, tiếp tục đưa Việt Nam phát triển theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

65 năm đã trôi qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại cùng với sự giúp đỡ của Mĩ. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này được thể hiện rõ trong những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khẳng định lại những tư tưởng ấy của Người, khi đánh giá về ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”./.

 

Đảng ủy

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        4,299,094       24/1,023