Tin tức

Những chặng đường vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam

THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN (22/12/1944):

Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng, chia thành 03 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Ngày 22/12 được xác định là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Hội Quốc phòng toàn dân.
 
 
CHIẾN THẮNG PHAI KHẮC VÀ NÀ NGẦN (25 VÀ 26/12/1944):
Ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cải trang dùng mưu tập kích diệt đồn Phai Khắc thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26/12, Đội đánh Đồn Nà Ngần (cách Phai Khắc 15 km về phía Đông Bắc).
 
MỘT SỐ CHIẾN THẮNG ĐẦU TIÊN CỦA NAM BỘ KHÁNG CHIẾN:
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp có quân Anh tiếp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngay trong những ngày đầu, quân và dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, đã tiêu hao sinh lực địch, phá huỷ một phần cơ sở của chúng. Nổi bật là các trận đánh ở Thị Nghè, cầu Bến Phân, đánh phá Khám lớn Sài Gòn, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến Sài Gòn.
 
MỘT SỐ CHIẾN CÔNG MỞ ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC (19/12/1946):
Đêm 19 rạng 20/12/1946, tiếng súng kháng chiến bắt đầu nổ ra ở Hà Nội, mở đầu thời kỳ cả nước kháng chiến chống Pháp xâm lược. Với tinh thần "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", các chiến sĩ vệ quốc quân, công an xung phong, tự vệ chiến đấu đánh địch rất dũng cảm. Nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra ở Bắc Bộ Phủ, Nhà ga, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân.
Cùng với Hà Nội, quân và dân ta ở nhiều thành phố khác cũng tiến công và vây hãm địch.
 
CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC (17/10 ĐẾN 22/12/1947):
Ngày 17/10/1947, giặc Pháp huy động 2 vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ cuộc tiến công lớn lên Bắc Việt, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, kết thúc "chớp nhoáng" cuộc chiến tranh xâm lược. Quân và dân Việt Bắc đã liên tiếp đánh chặn và phản công tiêu diệt địch ở khắp nơi, nổi bật là các trận Bình Ca (Tuyên Quang), Bông Lau (Cao Bằng), Đoan Hùng, Khu Lau trên sông Lô.
 
CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI (16/9 ĐẾN 14/10/1950):
Ngày 07/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh về chiến dịch Biên giới Cao-Lạng (chiến dịch Lê Hồng Phong II). Mục đích là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.  
Ngày 16/9/1950, quân ta đánh trận mở đầu, diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 03/ 10/1950 địch vội cho quân ở Cao Bằng rút chạy, đồng thời huy động quân ở Thất Khê lên ứng cứu. Bộ đội ta liên tiếp đánh chặn trong 2 ngày 7 và 08/10/1950 lần lượt tiêu diệt 2 binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sáctông ở núi Cốc Xá và điểm cao 477. Thừa thắng, quân ta chuyển sang tiến công giải phóng một dải biên giới dài 100km từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Đình Lập, An Châu, Tiên Yên (Quảng Yên).
 
CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (13/3 ĐẾN 07/5/1954):  
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công lần thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lần lượt tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bức quân địch ở Bản Kéo đầu hàng, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm. Ngày 30/3/1954, ta mở đợt tiến công lần thứ 2 diệt các cứ điểm phía Đông, cuộc chiến đấu giành đi giật lại giữa ta và địch rất quyết liệt. Vòng vây của quân ta khép chặt dần, hãm quân địch vào tình thế rất khốn đốn. Ngày 01/5/1954, đợt tiến công thứ 3 bắt đầu; quân ta lần lượt đánh chiếm các cứ điểm phía đông và phía tây, bẻ gãy các cuộc phản kích của địch. Ngày 07/5/1954, bộ đội ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ.

PHONG TRÀO "ĐỒNG KHỞI" Ở MIỀN NAM (CUỐI 1959 ĐẦU 1960):
Cuối năm 1959, nhân dân nhiều xã ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) cùng với trung đội vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh đã nổi dậy khởi nghĩa diệt ác, trừ gian, giành chính quyền ở một số thôn xã, mở ra một giai đoạn đấu tranh mới và những ngày sau đó, nhân dân các huyện Mõ Cày, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương đã nhất loạt nổi dậy, phá vỡ hoặc làm tê liệt chính quyền ấp, xã của địch, thành lập Ủy ban nhân dân tự quản.
Sau đó, phong trào"Đồng Khởi" đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam bộ, Tây Nguyên và miền tây các tỉnh khu 5, tạo thành một vùng căn cứ rộng lớn. Nhiều đơn vị dân quân du kính và bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã hình thành và phát triển trong phong trào "Đồng Khởi".
 
CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (02/01/1963):
Được tin có một lực lượng vũ trang cách mạng mới về Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, ngày 02/01/1963, Mỹ - Ngụy liền mở một cuộc càn lớn mang tên "Đức Thắng 1-63". Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân sau một ngày chiến đấu ta đã chiến thắng.
 
ĐÁNH BẠI CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ I CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (07/02/1965 ĐẾN 16/11/1968) Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM:
Ngày 07/02/1965, đế quốc Mỹ dùng không quân mở chiến dịch "mũi lao lửa" và từ ngày 02/3/1965 gọi là chiến dịch "Sấm rìu" đánh phá liên tục miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.
Quân và dân miền Bắc đã anh dũng đánh trả địch, giành thắng lợi ngay từ trận đầu, tiếp đó lần lượt đập tan những bước leo thang của chúng, lập nên những chiến công oanh liệt, tiêu biểu là các trận:
- Ngày 04/4/1965 lần đầu tiên máy bay ta bắn rơi máy bay địch.
- Ngày 24/7/1965 lần đầu tiên bộ đội tên lửa ta bắn rơi nhiều máy bay địch.
Trước sự thất bại nặng nề ở miền Bắc và cả miền Nam, ngày 01/1/1968, Jiôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc, sau đó chấp nhận họp Hội nghị bốn bên tại Pa-ri.
 
CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ (12/1964 ĐẾN 1965):
Một đơn vị Quân giải phóng tham gia chiến đấu tại Bình Giã (Bà Rịa-Vũng Tàu), tháng 12-1964.
Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực ta và báo hiệu thất bại của các biện pháp chiến thuật "Trực thăng vận" và "Thiết xa vận" của Mỹ - Ngụy trong "Chiến tranh đặc biệt".
CHIẾN THẮNG VẠN TƯỜNG (18/8/1965):
 
Sáng 18/8/1965, Mỹ Ngụy mở cuộc hành quân "Ánh sao sáng" nhằm vào thôn Vạn Tường (Quảng Ngãi) với ý đồ diệt một đơn vị chủ lực ta, gây uy thế cho lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Cuộc hành quân "Tìm diệt" quy mô lớn của quân viễn chinh Mỹ bị đánh bại.
CHIẾN DỊCH PLÂY-ME (19/10 ĐẾN 26/11/1965):
 
Từ 19/10 đến 16/11/1965, bộ đội ta tấn công cứ điểm Plây-Me, buộc quân địch ra ứng cứu. Ta đánh quân tiếp viện địch ở thung lũng I-a-đơ-răng, buộc quân Mỹ phải vào ứng cứu. Quân ta tập kích đánh phủ đầu diệt quân Mỹ. Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ cơ động bằng máy bay lên thẳng lần đầu tiên xuất hiện ở miền Nam đã bị đánh bại.

CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN (30/1 ĐẾN 31/3/1968):
Ngày 30 và 31/1/1968, quân và dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã, đánh vào sào huyệt cơ quan đầu não của địch, tấn công hàng loạt căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng và hệ thống giao thông của chúng. Ở Sài Gòn - Gia Định, ta tiến công nhiều mục tiêu quan trọng: tòa đại sứ Mỹ, Dinh Tổng thống Ngụy, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh… Ở Huế, ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, làm chủ hầu hết thành phố và chốt giữ 25 ngày đêm, thành lập chính quyền cách mạng.
Phối hợp với mũi tiến công quân sự, nhân dân nhiều vùng nông thôn và đô thị đã nổi dậy diệt ác trừ gian, giải tán dân vệ, phá vỡ hàng rào "Ấp chiến lược", giành quyền làm chủ. Đây là đòn quyết định làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải "xuống thang chiến tranh", tạo ra bước ngoặc mở đầu thời kỳ đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
 
CHIẾN THẮNG BẦU BÀNG - DẦU TIẾNG (THÁNG 11/1965):
Chiến thắng Bầu Bàng - Dầu Tiếng củng cố niềm tin đánh thắng Mỹ, mở ra phong trào "Tìm Mỹ mà diệt, nắm thắt lưng Mỹ mà đánh" trong các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
 
CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 NAM LÀO (30/1 ĐẾN 23/3/1971):
Dự tính năm 1971 Mỹ Ngụy sẽ mở 3 cuộc hành quân lớn mang tên "Lam Sơn 719" đánh lên khu vực Đường 9 - Nam Lào.
Ngay từ đầu, địch đã bị ta chận đánh, ở đâu chúng cũng bị đánh. Lực lượng tại chổ của ta phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Pa Thet Lào đã liên tiếp tấn công địch. Sau hơn 1 tháng chiến đấu trong đó có nhiều trận đánh ác liệt giữa chủ lực ta với chủ lực cơ động Ngụy ở Bắc Đường 9. Đầu tháng 3/ 1971, bộ đội ta chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận, bao vây, truy kích tập đoàn quân địch ở Bản Đông, tiêu diệt nhiều quân địch.
 
17 CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC TRÊN CHIẾN TRƯỜNG MIỀN NAM NĂM 1972:
Ngày 30/3/1972, bộ đội ta bắt đầu mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Trị Thiên, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng khu 5 và Nam bộ. Kết quả, ta giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị, phần lớn tỉnh Kon-Tum, bắc Bình Định, một khu vực rộng lớn các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long và khu 5, giải phóng và giành quyền làm chủ hơn 1 triệu dân.
 
QUÂN VÀ DÂN MIỀN BẮC ĐÁNH BẠI CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ 2 CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (06/4/1972 ĐẾN 15/1/1973):
Ngày 06/4/1972, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc với quy mô lớn, ác liệt hơn lần trước. Ngày 09/5, chúng tiến hành phong tỏa các cảng và các vùng biển miền Bắc, đánh phá các cơ sở kinh tế và quốc phòng của ta. Trước tình hình đó, quân và dân miền Bắc đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động vào thời chiến với tinh thần chiến đấu dũng cảm và cách đánh mưu trí tài giỏi.

Cay cú trước những thất bại nặng nề, đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất, mang tên "chiến dịch lai-nơ bếch-cơ li" vào miền Bắc. Chúng tập trung một số lượng lớn máy bay, chủ yếu là B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực khác trên miền Bắc.
Một lần nữa, quân dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, trừng trị đích đáng không quân Mỹ, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của địch ở Hà Nội, Hải Phòng.
 
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975:
Ngày 04/3/1975 bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên.
Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3, quân ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Phát huy thắng lợi, ngày 21/3/1975 ta mở chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng.
Từ ngày 21 đến 26/3, ta tiến công chia cắt Huế-Đà Nẵng. Sau bốn ngày chiến đấu, ta giải phóng Thừa Thiên - Huế, tiếp đó giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (25/3). Từ 27 đến 29, ta phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng.
Phối hợp với chiến dịch Huế - Đà Nẵng, từ Tây Nguyên bộ đội ta tiến xuống hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng các tỉnh Bình Định (ngày 01/4) Phú Yên (ngày 01/4) và Khánh Hoà (ngày 03/4).
Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 04/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng hoàn toàn Sài Gòn và miền Nam Việt Nam.
Ngày 26/4, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công mạnh và đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Tổ Quốc tung bay trước Tòa nhà chính của Dinh Độc lập. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng.
Mười lời thề danh dự của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Chúng tôi đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sỹ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Xin thề:
1. Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.
2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sỹ tiên phong giết giặc cứu nước.
5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.
7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.
8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng, hay rơi vào tay quân thù.
9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gâylòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.
10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và Quốc thể của Việt Nam.
 
Đoàn - Hội SV Trường

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        14,073,094       2/679